Mục lục:
Bệnh vẩy nến là một bệnh rối loạn tự miễn dịch khiến các tế bào da được sản sinh rất nhanh. Kết quả là, các tế bào da chết sẽ tích tụ và gây ra vảy, ngứa và viêm da. Căn bệnh này cũng có thể tấn công móng, gây tổn thương cho móng. Vậy, bệnh vảy nến thể móng này có chữa khỏi được không?
Bệnh vảy nến ở móng tay có chữa khỏi được không?
Móng tay là một phần của da vì chúng được hình thành từ chất sừng protein. Đó là lý do tại sao bệnh vẩy nến cũng có thể tấn công móng tay của bạn, chính xác là ở khu vực gốc móng tay dưới lớp biểu bì.
Ban đầu, bệnh vảy nến sẽ gây ra những vết lõm nhỏ trên móng tay. Màu sắc của móng sau đó sẽ chuyển sang màu vàng nâu và dễ gãy. Theo thời gian, móng có thể bị nhấc lên và bạn có thể thấy máu dưới móng.
Nếu không điều trị, móng tay sẽ bị hư hại thêm. Kết quả là, các hoạt động hàng ngày sử dụng tay và chân bị gián đoạn.
Steve Feldman, MD, PhD, một bác sĩ da liễu tại Học viện Da liễu Hoa Kỳ nói rằng bất kỳ dạng bệnh vẩy nến nào, bao gồm cả bệnh vẩy nến móng tay, đều không thể chữa khỏi. Nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh này nằm ở hệ thống miễn dịch thực hiện sai chức năng của nó.
Vậy, làm thế nào để đối phó với tình trạng này?
Mặc dù không thể chữa khỏi nhưng việc điều trị sẽ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng của bệnh vẩy nến móng tay và ngăn ngừa mức độ nghiêm trọng của nó. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về phương pháp điều trị bạn nên chọn.
Móng tay bị tổn thương do bệnh vẩy nến vẫn có thể phát triển. Tuy nhiên, nó mất nhiều thời gian hơn và bạn cần phải chăm sóc nó một cách cẩn thận. Việc xử lý móng không chỉ thực hiện một lần mà phải liên tục và thường xuyên.
Nếu các triệu chứng vẫn còn, bạn có thể phải điều trị nhiều hơn một lần, thậm chí cần kết hợp hai loại thuốc để thuốc phát huy tác dụng nhanh chóng hơn. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến móng tay bao gồm:
- Corticosteroid. Thuốc có nhiệm vụ làm giảm các triệu chứng của bệnh vẩy nến trên móng tay. Thông thường thuốc này được sử dụng một hoặc hai lần một ngày.
- Calcipotriol. Những loại thuốc này có hiệu quả tương tự như corticosteroid trong việc điều trị sự tích tụ của các tế bào da chết dưới móng tay.
- Tazarotene.Thuốc này có thể giúp điều trị móng tay nhô cao và móng tay đổi màu.
Các loại thuốc trên thường được dùng ở dạng viên nén hoặc thuốc mỡ. Trong một số trường hợp, các phương pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả cao. Bác sĩ sẽ đề nghị điều trị thêm để các triệu chứng của bệnh vẩy nến móng tay có thể được chữa khỏi.
Phương pháp điều trị bao gồm tiêm corticosteroid và các loại thuốc khác trực tiếp vào vùng móng bị ảnh hưởng. Những mũi tiêm này có thể điều trị sự tích tụ của các tế bào da chết dưới móng tay, móng tay dày lên và móng tay nhô cao.
Nếu điều trị này không cho kết quả tốt, phương pháp điều trị sẽ được thay đổi trong tháng tiếp theo, cụ thể là điều trị bằng laser. Phương pháp điều trị này bắt đầu bằng việc sử dụng thuốc psoralen, sau đó phần móng bị ảnh hưởng sẽ được chiếu tia laser UVA.
Nếu bệnh vẩy nến tấn công các vùng da khác của cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc methotrexate, retinoid, cyclosporine và apremilast. Phần móng đã bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kiểm tra lại các tác nhân gây bệnh xem tình trạng đó là do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng.
Ngoài việc điều trị từ bác sĩ, bạn cũng cần chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như:
- Sử dụng găng tay khi chạm vào các chất gây kích ứng, chẳng hạn như chất tẩy rửa, dầu gội đầu hoặc xà phòng.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm đặc biệt cho móng tay và giữ cho móng tay luôn sạch sẽ và khô ráo.
- Thực hiện các hoạt động một cách cẩn thận để không làm móng bị tổn thương thêm.